MSA: Những Điều Cần Biết
Teo đa hệ thống (MSA) là một dạng rối loạn thần kinh tiến triển ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở độ tuổi trưởng thành. Bệnh xảy ra do sự thoái hóa hoặc teo nhỏ các tế bào thần kinh ở một số (hoặc nhiều) vùng não. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề ảnh hưởng đến các chức năng khác nhau của cơ thể như lời nói, vận động, thăng bằng và kiểm soát huyết áp.
Điều quan trọng cần nhớ là trải nghiệm về MSA của mỗi người sẽ khác nhau, và không có hai người nào cùng mắc bệnh MSA giống nhau.
MSA phổ biến như thế nào?
Cho đến những năm gần đây, MSA vẫn được xem là một căn bệnh rất hiếm gặp. Khi các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu thêm về căn bệnh này, việc nhận biết và chẩn đoán đã dần trở nên dễ dàng hơn, mặc dù đối với nhiều người, việc chẩn đoán vẫn có thể mất vài năm. Mặc dù vẫn chưa có số liệu thống kê trên toàn thế giới, nhưng dựa vào những số liệu gần đây ở Vương quốc Anh, MSA ảnh hưởng đến khoảng 4,5 người trên 100.000 dân, nghĩa là tại bất kỳ thời điểm nào, có gần 3.300 người đang sống chung với MSA. Trong khi đó, bệnh Parkinson phổ biến hơn khoảng 45 lần, ảnh hưởng đến khoảng 210 người trên 100.000 dân.
Ai có thể bị ảnh hưởng bởi MSA?
MSA thường bắt đầu trong độ tuổi từ 40-60, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 30-70, bao gồm cả nam và nữ. Mặc dù các nhà khoa học đang dần hiểu được những gì xảy ra trong não, nhưng nguyên nhân gây ra MSA vẫn chưa được xác định.
Chúng ta đã biết rằng MSA không di truyền (không lây từ cha mẹ sang con cái) và cũng không lây nhiễm, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về MSA. Hiện tại, các công trình nghiên cứu trên toàn thế giới vẫn đang tiếp tục được triển khai nhằm làm sáng tỏ hơn về tình trạng này.