Triệu Chứng Và Tiến Triển

Mặc dù đến nay vẫn chưa xác định một phương pháp điều trị đặc hiệu nào giúp thay đổi tiến trình của bệnh MSA, nhưng vẫn có nhiều phương pháp để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng. Bên cạnh đó, các thử nghiệm về những loại thuốc tiềm năng nhằm điều trị triệu chứng đang liên tục được nghiên cứu và phát triển.

Dấu hiệu ban đầu của MSA là gì?

Ở nam giới, triệu chứng đầu tiên thường là rối loạn cương dương. Bác sĩ có thể sẽ tìm hiểu các nguyên nhân khác trước khi liên hệ đến nguyên nhân thần kinh.

Cả nam và nữ giới đều có thể gặp các vấn đề về bàng quang từ sớm, bao gồm:

  • Tiểu gấp (cảm giác muốn đi tiểu gấp)
  • Tiểu nhiều lần
  • Tiểu đêm (đi tiểu nhiều lần vào ban đêm)
  • Bí tiểu (bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn)

Tuy nhiên, những vấn đề về bàng quang như trên có thể thường được cho là liên quan đến các nguyên nhân khác như lão hóa.

Ngoài ra, các vấn đề ban đầu khác mà người bệnh có thể cảm thấy là cứng đờ và chậm chạp, cũng như sự thay đổi trong chữ viết. Một số người có thể trở nên vụng về hoặc đi lại không vững. Nếu việc kiểm soát huyết áp bị ảnh hưởng, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt khi đứng dậy hoặc ngất xỉu.

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Tiếp Theo?

MSA là một bệnh tiến triển, điều này có nghĩa là các triệu chứng sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ cần được giúp đỡ để có thể thích ứng với cuộc sống hàng ngày.

Tốc độ tiến triển của MSA đối với mỗi cá nhân người bệnh rất khó dự đoán và không giống nhau, vì mỗi người sẽ có những trải nghiệm bệnh khác nhau và tốc độ tiến triển cũng khác nhau.

Một số người bệnh sẽ cảm thấy thích ứng tốt hơn nếu biết trước những gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, những người khác có thể thích nhận thông tin từng chút một hoặc vào những thời điểm khác nhau. Ngay cả trong cùng một gia đình, mọi người có thể chọn tiếp cận thông tin vào những thời điểm khác nhau.

Vì quá trình tiến triển của MSA rất khác biệt ở mỗi cá nhân và khó đoán, người bệnh và gia đình, người chăm sóc nên thảo luận về hành trình của mình với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra phương pháp kiểm soát các triệu chứng hiệu quả hơn.

Các Triệu Chứng Có Thể Gặp:

1. Hội chứng Parkinson (Parkinsonism)

  • Cảm thấy chậm chạp và cứng đờ khi di chuyển.
  • Khó khăn khi bắt đầu vận động.
  • Chữ viết trở nên nhỏ và khó đọc (kiểu "chữ nhện").
  • Khó xoay trở mình trên giường.

2. Tiểu não (Cerebellar)

  • Cảm thấy vụng về, dễ làm rơi đồ vật.
  • Gặp khó khăn khi cài cúc áo.
  • Cảm thấy loạng choạng, mất thăng bằng ở nơi đông người.
  • Không thể giữ thăng bằng nếu không có điểm tựa.
  • Khó viết.
  • Nói lắp, nói khó nghe.

3. Tự chủ (Autonomic)

  • Khó khăn về chức năng tình dục.
  • Các vấn đề về bàng quang.
  • Cảm thấy de chóng mặt hoặc ngất xỉu (do vấn đề về huyết áp).
  • Đau quanh vùng cổ và vai (còn gọi là "đau vai áo").
  • Thay đổi chức năng ruột (tiêu hóa).
  • Tay chân lạnh.
  • Vấn đề về kiểm soát tiết mồ hôi.

4. Các vấn đề khác

  • Cảm thấy tay và chân yếu.
  • Cười hoặc khóc không kiểm soát (gọi là rối loạn cảm xúc).
  • Ngủ không ngon giấc (ngủ không liên tục).
  • Gặp ác mộng khi ngủ.
  • Thở lớn tiếng vào ban ngày, ngáy nhiều vào ban đêm.
  • Thở dài không chủ đích.
  • Giọng nói yếu, nhỏ.
  • Khó khăn khi nhai, nuốt và dễ ho, sặc khi ăn.
  • Mờ mắt.

Dù không thể loại bỏ hoàn toàn bệnh, nhưng có nhiều cách để quản lý và làm giảm nhẹ các triệu chứng. Điều này bao gồm việc thay đổi lối sống, sử dụng thuốc đặc trị cho từng triệu chứng cụ thể và đảm bảo nguoi benh được sự hỗ trợ, lời khuyên từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.